Share

Newsroom

Việt Nam đã đạt được tiến bộ đáng kể trong nông nghiệp, nhưng cần thêm hành động chính sách để giải quyết các thách thức mới

 

30/09/2015 - Cải cách kinh tế đã tạo ra kết quả ấn tượng trong ngành nông nghiệp Việt Nam, giúp tăng sản lượng nông nghiệp hơn ba lần trong giai đoạn 1990-2013, nâng cao thu nhập của nông dân, xóa đói giảm nghèo, giải quyết nạn đói và đẩy mạnh xuất khẩu nông sản. Tuy nhiên, theo báo cáo mới nhất của OECD, Việt Nam cần củng cố những thành tựu đó bằng việc giải quyết những thách thức dài hạn gây ra bởi suy giảm tăng trưởng sản xuất, giá hàng hoá nông sản giảm, hạn chế về đất đai để mở rộng sản xuất, và những bằng chứng ngày càng rõ ràng của tác động môi trường tiêu cực do sản xuất nông nghiệp.

Báo cáo “Đánh giá chính sách nông nghiệp ở Việt Nam” của OECD đề cao tiến bộ trong lĩnh vực nông nghiệp kể từ khi chính sách Đổi mới được thực thi từ giữa những năm 1980. Tăng trưởng trong sản xuất đã giúp Việt Nam giảm lượng người thiếu ăn từ 46% trên tổng dân số trong giai đoạn 1990 – 1992, xuống còn 13% trong giai đoạn 2012 – 2014. Đây là một trong những thành tích tốt nhất trên phương diện toàn cầu.

Song song với kết quả này, Việt Nam cũng đã nhanh chóng thiết lập vị trí của mình trên thị trường nông sản quốc tế, trở thành nước xuất khẩu hạt điều và hạt tiêu đen lớn nhất thế giới, đứng thứ hai về cà phê và sắn, thứ ba về gạo và thủy sản.

"Chuyển đổi nông nghiệp ở Việt Nam trong hai thập kỷ qua là hết sức ấn tượng", Giám đốc Thương mại và Nông nghiệp OECD Ken Ash phát biểu trong sự kiện ra mắt báo cáo tại Hà Nội, cùng với Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh. "Để tiếp tục phát triển, Việt Nam cần cải thiện môi trường chính sách để cho phép những khoản đầu tư mà sẽ giúp ngành nông nghiệp tiếp tục nắm bắt cơ hội đến từ nhu cầu gia tăng, đồng thời thích ứng với những thách thức do biến đổi khí hậu và hạn chế các nguồn lực. Chi phí lao động gia tăng sẽ mở ra cơ hội để áp dụng công nghệ mới và khuyến khích xây dựng các trang trại lớn hơn, nhưng chúng cũng có thể làm giảm khả năng cạnh tranh của ngành về tổng thể, đặc biệt là nếu các hộ sản xuất quy mô nhỏ không thể tiếp cận và thích nghi với những công nghệ tiết kiệm lao động mới," Ông Ash cho biết.

Báo cáo của OECD nhấn mạnh sự cần thiết phải giảm bớt những rào cản đối với đầu tư tư nhân, bao gồm đất đai manh mún làm hạn chế hiệu quả kinh tế theo quy mô, và những rào cản khác về quyền sử dụng đất, khiến tăng chi phí. Các nhà đầu tư lớn có thể gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn tài chính dài hạn, trong khi các nhà sản xuất nhỏ lẻ tiếp tục dựa chủ yếu vào nguồn tín dụng phi chính thức.

Cơ sở hạ tầng nông thôn về cơ bản đã được cải thiện đáng kể trong thập kỷ qua, nhưng đầu tư đã không theo kịp tốc độ tăng trưởng kinh tế, tạo ra sự thiếu hụt cơ sở hạ tầng nghiêm trọng.

Các mức hỗ trợ cho nông dân, được đo bằng tỷ lệ chuyển giao dựa trên chính sách từ người tiêu dùng và người nộp thuế trong tổng doanh thu nông sản đến nông dân (tính bằng chỉ số Ước tính Hỗ trợ Sản xuất,% PSE), đã có thay đổi lớn theo từng năm kể từ năm 2000. Điều này phản ánh những nỗ lực của chính phủ trong việc ổn định giá cả nội địa, đồng thời cân bằng lợi ích giữa những nhà sản xuất và người tiêu dùng trong bối cảnh giá cả biến động trên thị trường quốc tế.

Hỗ trợ nông dân trung bình đạt ở mức 7% tổng doanh thu nông nghiệp trong giai đoạn 2011-13. Đây là mức tương đối thấp, tuy nhiên, những hỗ trợ này tương đương khoảng 2,2% GDP, một trong những tỷ lệ cao nhất trong số các nước OECD nghiên cứu. Điều này chứng tỏ rằng đối với một nước đang phát triển với khu vực nông nghiệp lớn và GDP thấp, mức độ hỗ trợ thấp cũng có thể tạo ra chi phí tương đối cao cho nền kinh tế.

“Phân tích của chúng tôi cho thấy nguy cơ cao tạo ra gánh nặng cho tài chính công đến từ chính sách hiện hành, và nhấn mạnh yêu cầu rằng nguồn chi tiêu phải được sử dụng hiệu quả.” Ông Ash nói.

Thông tin thêm về báo cáo “Đánh giá chính sách nông nghiệp ở Việt Nam” có thể được tìm thấy trực tuyến tại đây

Các nhà báo và phóng viên có thể liên hệ với Phòng Truyền thông của OECD để biết thêm chi tiết. (Số điện thoại: +33 1 4524 9700).

 

Related Documents